Cách đây 139 năm, vào ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ), một sự kiện trọng đại đã diễn ra, trở thành dấu mốc lịch sử quan trọng trong phong trào công nhân toàn cầu. Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, hàng chục nghìn công nhân đã đồng loạt bãi công, xuống đường tổ chức mít tinh và biểu tình với khẩu hiệu vang dội: “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là thành quả của một quá trình đấu tranh kiên trì, đầy gian khổ từ nửa cuối thế kỷ XIX, khi người lao động ở khắp nơi trên thế giới bị bóc lột sức lao động một cách tàn bạo.
Mặc dù cuộc đấu tranh bị đàn áp đẫm máu, nhưng tinh thần bất khuất của công nhân Chicago đã thổi bùng ngọn lửa đấu tranh vì quyền sống, quyền làm việc và quyền được tôn trọng. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” không chỉ là tiếng nói của công nhân Mỹ, mà còn trở thành biểu tượng đoàn kết, là tiếng vang mạnh mẽ được cộng hưởng bởi hàng triệu công nhân trên toàn thế giới.
Từ những cuộc biểu tình ấy, các chính phủ tại nhiều quốc gia buộc phải công nhận và ban hành đạo luật giới hạn giờ làm việc trong ngày. Và rồi, vào ngày 14/7/1889, tại Đại hội thành lập Quốc tế Cộng sản II, các đại biểu công nhân đã long trọng thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 hằng năm làm Ngày Quốc tế Lao động - ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn cầu, ngày thể hiện sự đoàn kết quốc tế trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội.
Ngày nay, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là dịp để tri ân những người đã đi tiên phong trong phong trào lao động, mà còn là ngày lễ chính thức tại hơn 80 quốc gia. Khắp nơi trên thế giới, cờ hoa rực rỡ, biểu ngữ tràn ngập các quảng trường, đường phố; truyền thông đồng loạt phát sóng những chương trình ý nghĩa nhằm nâng cao nhận thức xã hội về vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động trong công cuộc xây dựng và phát triển xã hội.
Tại Việt Nam, ngay từ những ngày đầu Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (năm 1930), ngày 1/5 đã trở thành điểm hội tụ tinh thần đấu tranh mạnh mẽ của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động. Lần đầu tiên trong lịch sử, vào ngày 1/5/1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân Việt Nam đã xuống đường biểu tình không chỉ để thể hiện tình đoàn kết với công nhân quốc tế, mà còn trực diện đấu tranh với thực dân Pháp, đòi cải thiện điều kiện làm việc, tăng lương và thực thi chế độ làm việc 8 giờ/ngày. Đây là khởi đầu cho cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người luôn dành tình cảm và niềm tin lớn lao cho giai cấp công nhân – đã ký Sắc lệnh số 22c ngày 18/2/1946, chính thức công nhận ngày 1/5 là ngày lễ lớn của quốc gia. Ngày 1/5/1946, tại Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên người dân Việt Nam được tự do kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động trong không khí độc lập, với sự tham gia của 20 vạn nhân dân lao động – một lễ mit-tinh đầy khí thế, mở đầu cho truyền thống tổ chức kỷ niệm ngày này một cách trang trọng và ý nghĩa trên cả nước.
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam không chỉ là dịp để ôn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của giai cấp công nhân, mà còn là ngày biểu thị tinh thần đoàn kết quốc tế với các lực lượng lao động trên toàn thế giới – cùng nhau đấu tranh vì tự do, công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ý nghĩa của Ngày Quốc tế Lao động trong hiện tại
Kỷ niệm 139 năm Ngày Quốc tế Lao động, khi cả nước cùng hân hoan trong niềm tự hào kỷ niệm Ngày Chiến thắng 30/4, thì ngày 1/5 càng trở nên thiêng liêng và sâu sắc hơn bao giờ hết. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đặc biệt là giai cấp công nhân Việt Nam cùng nhìn lại những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giai cấp công nhân và người lao động nước ta tiếp tục là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đồng thời, sẵn sàng sát cánh cùng nhân dân lao động toàn thế giới trong cuộc đấu tranh vì một thế giới hòa bình, công bằng và nhân văn hơn.
Tác giả: ĐNThuyên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn