Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Hồng Sơn (14/4/1975 - 14/4/2025), Cán bộ, giáo viên, nhân viên, Phụ huynh học sinh và các em học sinh cùng tìm hiểu ngày lịch sử này nhé.
Hồ Suối Đá
I. Những năm tháng khốc liệt đầy máu lửa (1956 – 1959) Trong cao trào cuối năm 1955, do phương thức đấu tranh của ta ở khu Lê Hồng Phong miền A cũng như xã Hồng Sơn quá công khai nên ngay sau đó được tập trung đàn áp. Phần lớn, cán bộ bị vào tù, số còn lại chạy ra rừng sống bất hợp pháp. Bộ phận khác ở lại xóm ấp thì bị địch bao vây, quản thúc. Phong trào toàn xã gặp khó khăn nghiêm trọng. Đến cuối năm 1959, miền A đã tập hợp được một số đồng chí từ các nhà tù của địch trở về và các đồng chí di chuyển vùng về lại cùng với số cơ sở tại chỗ hình thành lại tổ chức. Phấn khởi nhất đối với cán bộ và cơ sở lúc này là được cấp trên phổ biến chủ trương của Đảng cho tổ chức lực lượng và hoạt động vũ trang đánh địch đây là mốc lịch sử quan trọng chấm dứt thời kỳ dài đau khổ và đen tối chuẩn bị tư thế bước sang cuộc chiến đấu mới.
UBND xã Hồng Sơn
II.Phá ấp chiến lược, xây dựng căn cứ, đẩy mạnh phong trào 2 chân 3 mũi, vùng lên giải phóng quê nhà (1960 – 1964) Đầu năm 1960 ở tỉnh Bình Thuận địch chủ trương củng cố chính quyền các xã tại xã Long Phú chúng bắt đầu bầu cử lại hội đồng xã. Về phía ta có chủ trương của trên cho thành lập lực lượng vũ trang; mặt khác xã Hồng Sơn vừa tập hợp lại lực lượng nên đến giữa năm 1960 mũi công tác xã Hồng Sơn được hình thành và không ngừng phát triển liên tiếp vào ấp tổ chức xây dựng cơ sở, vũ trang tuyên truyền khống chế bọn ác ôn. Năm 1962, vận dụng chủ trương của tỉnh và để phá thế kèm gom dân, lập ấp của địch, ban cán sự Đông Hải tuyên truyền, mời dân ra vùng căn cứ học tập, khẩn trương xây dựng lực lượng bên trong diệt ác và kết hợp đấu tranh chính trị với võ trang, binh vận, phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền làm chủ. Sau bao năm khổ đau mỏi mòn chờ đợi, đến nay tiếng súng diệt ác ánh lửa thiêu giặc như tiếng kèn thúc giục cán bộ chiến sĩ đồng bào Hồng Sơn vùng dậy diệt thù giải phóng quê hương. Vào những năm 1962 – 1964, Hồng Sơn đã đẩy mạnh và bảo vệ được căn cứ, mở rộng vùng bàn đạp phá đường phá ấp diệt ác; huy động tối đa sức người sức của bảo vệ mùa màng thu mua lương thực.. Nhờ đó mà quân dân xã Hồng Sơn đã vượt qua khó khăn phát triển toàn diện. Tiêu biểu nhất là phong trào phá ấp chiến lược. III. Phát triển thực lực, củng cố mở rộng vùng giải phóng; giữ thế đấu tranh hợp pháp và tranh chấp, cung cấp nhân tài vật lực cho kháng chiến (1965 – 1968) Từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1968, xã Hồng Sơn được hoàn toàn giải phóng nối liền với các xã Hàm Đức, Hồng Liêm, Hàm Trí thành một vùng giải phóng rộng lớn; riêng thôn 4 ở trạng thái tranh chấp cứng ta làm chủ về ban đêm; ban ngày địch ở Ma Lâm qua mở đường đánh phá. Những năm 1965 – 1966 là đỉnh cao của phong trào toàn xã; đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của Hồng Sơn. Phong trào Đoàn cũng lớn lên nhanh chóng; xã đoàn từ 48 đoàn viên đã phát triển lên 71 đoàn viên. Nhằm bảo vệ dân bảo vệ sản xuất phát triển vùng giải phóng vấn đề xây dựng lực lượng vũ trang được xã quan tâm hàng đầu. Bên cạnh trung đội du kích đã xã tập trung mỗi thôn còn có ban chỉ huy thôn đội với 1 tiểu đội du kích thôn và hàng trăm dân quân. Nhờ có điều kiện chủ động nước tưới và sáng kiến của mình, ban lãnh đạo sản xuất hướng dẫn bà con thống nhất kế hoạch gieo cấy rải vụ kế tiếp nhau nhằm cho lúa chín không đồng loạt; tiện cho việc thu hoạch và chống địch cướp lúa; đồng bào ở đây còn có tài cấy gặt đêm, chuyển lúa đào hầm giấu lúa ngay trong đêm, sáng hôm sau địch tổ chức đi càn phá lúa đến nơi thì đồng ruộng chỉ còn trơ gốc rạ. Phong trào nuôi quân nhận đỡ đầu nuôi bộ đội, thương binh; các má các chị các em thi đua thực hiện phong trào “hũ gạo” nuôi quân; con gà, rẫy mì, trồng lang kháng chiến. Những năm 1965 - 1969 hội phụ nữ xã thực hiện tốt công tác hậu phương. Nhờ phát triển thực lực trong ba năm xây dựng vùng giải phóng 1965 - 1968 nên quân dân xã Hồng Sơn tăng thêm sức mạnh vật chất và tinh thần để tiếp tục chiến đấu góp phần cùng nhân dân toàn huyện quyết tâm đánh bại âm mưu Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ Ngụy trên chiến trường huyện Thuận Phong vào những năm 1969 -1972.
Bản đồ địa chính huyện Hàm Thuận Bắc
IV. Đẩy mạnh phong trào 2 chân 3 mũi, đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp 1969 – 1970 Nhằm thực hiện âm mưu bình định cấp tốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Đối với huyện Thuận Phong, địch tập trung thực hiện chiến thuật “quét và giữ”. Là một xã giữ vị trí cửa ngõ vào căn cứ Lê Hồng Phong nói chung, huyện Thuận Phong nói riêng nên địch quyết dồn dân lập ấp bình định cấp tốc trong thời gian 6 tháng. Từ đầu năm 1969 đến tháng 2 năm 1970 Đảng bộ và quân dân xã Hồng Sơn phối hợp với các xã Hàm Đức, Hồng Phong, Hồng Liêm, Hàm Trí và các lực lượng cấp trên đánh trả quyết liệt làm tiêu hao nhiều sinh lực địch; phá được âm mưu đánh nhanh thắng nhanh bình định cấp tốc của địch. V. Phát triển thực lực tại chỗ, kết hợp ba mũi giáp công, diệt ác, phá kèm, tiêu hao sinh lực địch, làm lỏng nhão hai ấp Gò và Gộp giành quyền làm chủ (1971 - 1972) Năm 1971 huyện ủy Thuận Phong đề ra nhiệm vụ trọng tâm là: giáo dục chính trị tư tưởng cho toàn Đảng, quân dân; đẩy mạnh phong trào ba mũi giáp công, đánh phá bình định, diệt ác, phá kèm, mở vùng giành quyền làm chủ xã ấp, khẩn trương tích cực xây dựng thực lực Cách mạng, giữ vững và xây dựng căn cứ căn cứ làm tốt công tác động viên nhân tài vật lực. Những năm 1970 – 1972, được sự hướng dẫn, tập huấn và hỗ trợ của xã đội và đội công tác; du kích mật trong hai ấp chiến lược Gộp và Gò đã mưu trí gan lì bám sát ác ôn, nắm chắc quy luật đi lại, hoạt động của chúng. Các em đã đánh đau, đánh đúng, đánh liên tục và đạt hiệu quả bọn cảnh sát, tề xã, … rất sợ du kích mật. Các em là con gái, thiếu niên nhưng đã làm cho địch mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng thấp thỏm lo âu. Năm năm liền 1970 - 1975 du kích mật ở hai ấp đã đánh trên 50 trận, có nhiều trận táo bạo bất ngờ và sáng tạo. VI. Đánh cho Ngụy nhào - giải phóng quê hương (1973 – 1975) Đúng 11 giờ 30 phút giờ Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973 hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết và đúng 7 giờ ngày 28 tháng 1 năm 1973 hiệp định Paris chính thức có hiệu lực thi hành. Hừng sáng ngày 28 tháng 1 năm 1973 trước khi hiệp định Paris có hiệu lực và cờ giải phóng đã tung bay khắp nơi dọc sông Cạn, Suối Đá, trên hầu hết các ngọn cây cao ngoài đồng ruộng ta áp sát vùng ranh phát loa kêu gọi địch ở trong ấp, trong đồn ngừng bắn theo đúng tinh thần của hiệp định. Ngay trong hai ấp Gò và Gộp đều có cơ sở lãnh đạo quần chúng nổi dậy lại truyền đơn, dán khẩu hiệu, làm công tác binh vận. Những năm 1973 – 1975, địch tiếp tục tăng cường, củng cố bộ máy, đánh phá vùng căn cứ, vùng bản lề, kèm dân và phòng thủ hai ấp chiến lược Gò và Gộp. Ngoài lực lượng thường trực tại chỗ, địch thường tăng cường thêm những toán lính thám kích viễn thám của tiểu khu Bình Thuận. Chúng vẫn ngoan cố tiếp tục phá hoại vi phạm Hiệp định lấn chiếm càn quét đột phục kích gây xung đột vũ trang. Những ngày đầu tháng 3 năm 1975, tất cả đảng viên của xã Hồng Sơn đều được huyện uỷ huyện Thuận Phong điều về căn cứ học nghị quyết của tỉnh ủy Bình Thuận về kế hoạch và quyết tâm phối hợp cùng toàn miền giải phóng miền Nam với phương châm tự lực là chính - tỉnh tự giải phóng tỉnh; huyện tự giải phóng huyện và xã tận giải phóng xã. Sáng ngày 14 tháng 4 năm 1975, đạn pháo của xe tăng và du kích xã Hồng Sơn tiếp tục nã tấp tập vào đồn Gò và đồn Gộp đồng thời các chi bộ Đảng, chi đoàn thanh niên và các tổ binh vận trong hai ấp chiến lược Gò và Gộp cũng đã phát động quần chúng nổi dậy. Đồng bào bào loan tin giải phóng đang tràn vào và kêu gọi binh lính hạ vũ khí. Địch ở đây rệu rã và hoang mang cực độ. Đến 10 giờ trưa ngày 14 tháng 4 năm 1975, địch ở đồn Gộp và ấp Gò tự hủy tài liệu rồi mang vũ khí tháo chạy. Được cơ sở báo tin nhanh ,du kích đội vũ trang công tác ấp Gò xông vào tiếp quản ấp Gò. Cờ cách mạng hiên ngang tung bay trước gió, báo hiệu ngày tàn của bọn ngụy ngày giải phóng hoàn toàn quê hương thật sự đã đến. Trưa ngày 14 tháng 4 năm 1975, xã Hồng Sơn sạch bóng quân thù Hồng Sơn được hoàn toàn giải phóng, quê hương được tự do, độc lập - niềm mơ ước khát khao của quân dân Hồng Sơn sau 21 năm đầy máu và nước mắt nay mới thành hiện thực. Ý nghĩa lịch sử: trải qua bao năm kháng chiến biết, bao mồ hôi nước mắt và xương máu của cha anh đã viết lên những trang sử vẻ vang, hào hùng; đó là những di sản quý báu, là điểm tựa vững chắc của cha ông để lại cho những thế hệ hôm nay và mai sau; lớp lớp người sẽ tiếp tục kế tục sự nghiệp cách mạng và quyền tự hào; có tinh thần trách nhiệm giữ gìn bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp ấy; tinh thần ấy sẽ sáng mãi trong những trang sử hào hùng của xã Hồng Sơn; sẽ tiếp tục bồi đắp, tô thắm để xứng danh với tên gọi “anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” mà Đảng và Nhà nước đã truy tặng.
“Yêu biết mấy Hồng Sơn bất khuất Tự hào thay vùng đất kiên cường”.
Vài nét sơ lượt về Trường THCS Hồng Sơn
Trường THCS Hồng Sơn nằm trên đường quốc lộ 1A, thuộc thôn 4 xã Hồng Sơn, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Được thành lập theo quyết...